Nhắc đến Hòa Bình, khách du lịch không khỏi liên tưởng đến những ngôi nhà sàn độc đáo, được trang trí bằng các vật liệu truyền thống và các tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ, tre, nứa lá..
Về mặt tâm linh, người Mường quan niệm có ba Mường: Mường trời trên cao dành cho các vị thần linh. Mường đất dành cho những người đã mất, thuộc về giới âm. Chính vì thế, họ làm nhà ở giữa dành cho con người sinh sống. Nhà sàn không chỉ là một giá trị vật chất hiện hữu của mấy ngàn năm lịch sử, thể hiện quá trình tiếp nối kiến trúc của người Việt cổ, để mô phỏng, khai thác, thích ứng với tự nhiên, mà còn là một không gian tinh thần chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục tập quán lâu đời của người Mường.
Nhà sàn của người Mường mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên (ảnh: sưu tầm)
Trong áng mo “đẻ đất, đẻ nước” của người Mường có đoạn kể: Một hôm lang Đá Cần, vị lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy, bắt được một con rùa. Con rùa van nài lang đừng thịt nó, bù lại nó bảo cho cách làm nhà sàn.
Rùa dạy: Bốn chân tôi là bốn cột cái/Hai mai tôi là hai mái nhà/Xương sống tôi là đòn nóc.
Rùa bảo tiếp : Chặt cây lim làm cột/Lạt buộc bằng cây giang/Cỏ gianh dùng để lợp.
Câu chuyện này được coi như một điển tích về sự ra đời của nhà sàn người Mường. Con rùa cho đến nay không chỉ là con vật linh thiêng được người Mường tôn thờ mà còn sáng tạo ra một cách tính ngày tốt, giờ tốt gọi là phương pháp trừ đá Rò (Rò = rùa) để tiến hành dựng nhà hay cưới hỏi và làm những việc quan trọng khác.
Con rùa dạy người Mường làm nhà, thần Kim Quy (rùa vàng) dạy người Việt đắp loa thành, cho móng làm nẫy nỏ giữ thành, giữ nước. Đó chính là điểm tương đồng văn hóa Việt Mường rất thú vị.
Trước khi làm nhà sàn, người Mường hay nhờ một thầy gọi là Clượng chọn cho hướng nhà, thế đất, ngày, giờ tốt để dựng nhà. Chọn nơi làm nhà là một khâu quan trọng không thể thiếu của người Mường. Các làng thường hay ở bám vào các sườn đồi, dưới chân đồi, xung quanh các thung lũng cho nên khi làm nhà người ta phải xem thế đất và căn cứ vào tuổi của chủ nhà để chọn. Người Mường hay chọn hướng nhà chủ yếu là hướng Đông – Nam. Nhưng do dựa vào thế đất cho nên ở một số làng Mường, có nhiều hộ phải làm lệch đi theo hướng khác như Tây – Bắc cho hài hoà với thực tế thiên nhiên.
Không gian bên trong nhà sàn của người Mường (ảnh: sưu tầm)
Người ta quan niệm, nếu không được hướng thì phải được thế đất và một số yếu tố liên quan như: phía trước phải bằng phẳng, có sông, suối, xa hơn có núi lờ mờ. Phía sau không được có vực sâu mà phải có núi làm thế tựa. Xung quanh nhà không tù túng. Đối với người Mường chọn được địa điểm làm nhà đẹp cả “thế” và “hướng” thì làm ăn giàu có, người trong nhà khoẻ mạnh, sống lâu.
Không như những ngôi nhà quan Lang thời xưa, tiếp thu kĩ thuật kiến trúc gỗ của người Kinh, đẽo cột, kèo sàn,.. như ngôi đình làng của người Kinh. Ngôi nhà sàn cổ truyền của người Mường theo lời rùa dạy, người Mường thường dùng lá để lợp mái nhà, nhưng không phải lá nào cũng sử dụng được, thường phải là lá cọ hay lá cỏ tranh là đẹp và bền bỉ nhất. Những ngôi nhà sàn được lợp mái giống như đội chiếc nón lá trên đầu, những lớp lá được các nghệ nhân Mường lợp rất khéo lé và chắc chắn, bện chặt và móc nối với nhau thành từng hàng như hàng người khoác tay nhau. Sự “đoàn kết” này làm cho mưa nắng không “chui” được vào nhà, gió bão cũng phải chịu thua khó mà tốc mái..Nằm trên sàn nhà, hít hà mùi thơm của lá, của gỗ tự nhiên, mùa hè vô cùng mát mẻ, mùa đông dù chỉ trải chiếc chiếu cũng thấy ấm áp lạ lùng..
Nhà sàn của người Mường được mô phỏng theo dáng “con rùa”: 4 chân là 4 cột cái, mái sương là mái nhà, xương sống là đòn nóc, đầu rùa là cửa chạn. Kết cấu mỗi bộ gồm hai cột cái chống đỡ, chân cột chôn xuống đất, hai đầu cột có chạc đỡ hai đầu quá giang, trên quá giang đặt kèo đơn giản, hai thanh kèo đặt trên hai đầu cột cái, hai đầu kéo dưới tựa vào hai đầu cột hiên.
Bố cục sắp xếp các cột kèo trong nhà sàn Mường (ảnh: sưu tầm)
Để liên kết kèo với hai đầu quá giang, người ta tạo hai cái ngạch (ngạch cửa) buộc nối quá giang với thân kèo. Trên các thanh kèo trải dài buộc các đòn tay, trên đòn tay trải rui, ốp mè lợp giang cỏ. Hai đầu giọt gianh mái chái được tạo lượn vòng, nên từ trên cao nhìn xuống mái nhà của người Mường giống như hình mai rùa.
Nhà sàn người Mường có cấu trúc một gian hai chái, được chia thành 3 phần. Trên sàn nhà là nơi sinh hoạt cho cả gia đình. Ngăn ra làm đôi theo chiều ngang thành bên ngoài và bên trong. Bên ngoài rộng hơn, lối đi ở giữa, hai bên ngăn thành nhiều ngăn làm buồng ngủ của vợ chồng gia chủ, buồng ngủ của các con trai. Bên trong hẹp hơn là nơi đặt bếp, nước uống sinh hoạt, buồng ngủ của con gái. Những sản phẩm nông nghiệp thóc ngô, đồ dùng quần áo đặt trên sàn dọc hai bên nhà. Nhà thường nhiều cửa sổ
Bộ phận thứ hai đặc biệt và quan trọng nhất của một ngôi nhà sàn là bếp lửa. Người Mường luôn quan niệm là thờ “vua bếp”. Bên trong bếp làm các giàn “khựa” và “ rớng” để đồ dùng, thực phẩm, lương thực dự trữ chống mối mọt. Xung quanh bếp có đặt hũ mẻ, các vại măng chua và các gia vị ưa thích của người Mường. Bếp không chỉ là nơi đun nấu mà còn mang ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng trong đời sống người dân Mường, chứa đựng những phong tục sin hoạt đặc sắc. Vì vậy, khi làm bếp mới, gia đình nào cũng phải có tục đắp bếp và lễ nhóm bếp.. Là linh hồn của nhà sàn Mường. Phần ba là gầm sàn nhà: nơi để các vật dụng cụ nông nghiệp như liềm, cuốc, máy bừa cày và nhốt gia súc, gia cầm.
Trong ngôi nhà sàn rất ít đồ dùng trong nhà, khi tiếp khách, ăn và ngủ, người dân sẽ chải chiếu ngay trên nhà sàn nên không gian trong ngôi nhà sàn rất thoáng và rộng rãi. Ngày nay, khi đến với Hòa Bình, du khách sẽ bắt gặp nhiều ngôi nhà sàn được xây dựng cách tân để theo kịp với thời đại mới, vẻ đẹp truyền thống của nhà sàn không còn vẻ đẹp nguyên sơ, gần gũi với thiên nhiên như trước kia.
Không gian lưu trú và trải nghiệm nhà sàn Di sản MEDDOM Park
Và nhằm tạo điểm nhấn quảng bá nét đẹp văn hóa rất riêng này của tỉnh Hòa Bình, MEDDOM Park đã dựng nên hình ảnh nhà sàn của người Mường đơn sơ mộc mạc để du khách có thể chiêm ngưỡng, khám phá và lưu lại những bức ảnh đẹp.
Còn nhiều điều thú vị về nhà sàn dân tộc Mường đang chờ đón du khách đến khám phá. Hãy gác lại mọi công việc, bộn bề lo toan, ưu phiền cuộc sống đến MEDDOM Park trải nghiệm.
Ngọc Thi
15/11/2023
Tìm hiểu thêm: