VACCINE BẠI LIỆT “MADE IN VIET NAM”

Trong cuộc chiến khốc liệt chống lại đại dịch Covid-19 suốt hai năm qua, Vaccine đã trở thành phao cứu sinh cho toàn nhân loại. Điều đó khiến chúng tôi nhớ đến người đặt nền móng cho ngành sản xuất vaccine của Việt Nam – GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên. Công trình đầu tiên gắn với tên tuổi ông là “Vaccine phòng bại liệt”.
 
 
 
Trong những năm 1957-1960, bại liệt đã bùng phát thành dịch lớn ở Việt Nam cướp đi sinh mạng và mỗi năm có hàng chục nghìn trẻ em bị di chứng liệt suốt đời.
Trước tình hình cấp bách lúc đó, ông Hoàng Thuỷ Nguyên được Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch cử sang Liên Xô tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccin bại liệt dạng uống có tên gọi Sabin. Sau 3 tháng, ông trở về nước và thành lập nhóm các nhà khoa học để triển khai sản xuất vaccin tại Việt Nam, 1960. Nhóm đã khảo sát nhiều địa điểm và chốt Đảo Rều ở vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) để nuôi khỉ vàng theo hình thức bán hoang dã vào năm 1962. Đây vốn là hòn đảo hoang, xung quanh không có người để đảm bảo khỉ sạch, chủ động được nguyên liệu để sản xuất và thử nghiệm vaccine với quy mô ngày càng lớn.
 
Vaccine phòng bại liệt do Việt Nam sản xuất
 
Vượt qua tất cả những khó khăn, thiếu thốn và sự kiểm định chặt chẽ vaccin bại liệt “made in Việt Nam” đã chính thức được cấp phép sử dụng. Năm 1962, 2 triệu liều vaccine bại liệt đã được sản xuất và năm sau đạt hơn 7,4 triệu liều. Dù đã có Phòng Kiểm định, nhưng nước ta chưa có điều kiện kiểm định vaccine như các nước trên thế giới nên nhiều người hoài nghi về độ an toàn của vaccine. Để phá tan sự hoài nghi đó, ông Hoàng Thủy Nguyên cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch uống trực tiếp mỗi người 10 liều vaccine như một thử nghiệm lòng tin. Do vậy, Bộ Y tế quyết định cho sử dụng đại trà loại vaccine này.
 

Ông Hoàng Thủy Nguyên (phải) và đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm,       những năm 1960

 
Những năm 1980, vaccin bại liệt mới được vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Nguyên nhân là Nhà nước không đủ kinh phí và số lượng vaccine tổ chức tiêm chủng mở rộng. Sau Liên Xô, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới tự túc được vaccine bại liệt. Nước ta đã dập được dịch bại liệt xảy ra vào năm 1964 rất hiệu quả. Năm 2000 WHO đã tuyên bố Việt Nam đã thành công trong khống chế bệnh bại liệt trên toàn quốc.
Công trình Vaccine phòng bại liệt được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000. Đó là sự ghi nhận công lao to lớn của Anh hùng, GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên và các cộng sự của Trung tâm Khoa học sản xuất Vắc xin Sabin (nay là Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế – Polyvac). Ngoài ra, ông còn đào tạo được đội ngũ nghiên cứu vi sinh vật học, miễn dịch học, virus học, mở đường cho sản xuất vaccine và sinh phẩm mới sau này.
 

Phó Chủ tịch nước  Nguyễn Thị Bình trao bằng khen cho GS Hoàng Thủy Nguyên tại Lễ công bố Việt Nam thanh toán xong bệnh bại liệt, 2000

 
Tiếp nối 14 công trình và cụm công trình trong trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam”, ngày 1-1-2022, công trình Vaccine phòng bại liệt này đã được bổ sung vào trưng bày và chính thức được ra mắt công chúng.
 
                       Không gian trưng bày công trình về Vaccine bại liệt                     tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam
 
Để lắng nghe cụ thể những câu chuyện về hành trình nghiên cứu sản xuất vaccin bại liệt mang thương hiệu Việt Nam và mục sở thị những kỷ vật cùng ký ức của những người trong cuộc, kính mời quý vị hãy đến Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình).