Trang phục của phụ nữ Mường Hòa Bình

Trang phục của phụ nữ Mường Hòa Bình

So với các trang phục dân tộc khác thì trang phục của dân tộc Mường có nét đặc trưng riêng, tuy giản dị nhưng hết sức tinh tế về tạo hình và phong cách. Chính điều này đã tạo nên phụ nữ Mường duyên dáng, tự hào khoác lên trang phục của dân tộc mình.

Người Hòa Bình có câu “làm pái phải ba đăm” có nghĩa là lành vải phải mất ba năm. Đúng như vậy, phải mất ba năm từ lúc gieo hạt bông, thu hoạch, kéo sợi, nhuộm sợi. Sau đó dệt thành thổ cẩm hoa văn với nhiều hình hài. Tất cả các công việc này đều do bàn tay kéo léo của người phụ nữ, mẹ dạy cho con, bà dạy cho cháu, chị dạy cho em. Ngày nay, nhờ máy móc hiện đại, giới trẻ ít biết về dệt thổ cẩm cũng như trong xu thế có quá nhiều sự lựa chọn trang phục nhưng đa phần phụ nữ Mường luôn trang bị cho mình ít nhất một bộ để diện trong các dịp Lễ, Tết..

 

Trang phục dân tộc được mặc trong các buổi giao lưu văn nghệ (Ảnh MEDDOM Park)

Tất cả cái hay, cái đẹp, tinh túy và thâm sâu nhất đã được khắc họa lên trang phục truyền thống của phụ nữ Mường. Váy Mường thường được mặc bó sát thân từ ngực xuống chấm mắt cá chân. Váy thường màu đen, quanh gấu váy thắt nút nhuộm hoặc bôi sáp ong thành nhiều hoa quanh gấu váy. Váy có thể bằng vải thường, bằng nhung hoặc lụa tơ tằm.

Phần quan trọng nhất trên váy Mường là cạp váy. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Từ Chi khi tìm hiểu về cạp váy của người Mường đã phải thốt lên rằng: “Cạp váy – nó nơi duy nhất người Mường chọn để làm nghệ thuật tạo hình. Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ”. Cạp váy được dệt riêng bằng lụa tơ tằm thành thổ cẩm. Chia thành 3 phần: Dải trên cùng gọi là Rang trên, rồi xuống Rang dưới, dải thứ ba tiếp giáp với phần thân váy, tiếng Mường gọi là Cayl.

 

Tinh hoa cạp váy người Mường (Ảnh: sưu tầm)

Trang trí Rang trên hình các ngôi sao, chữ thập, tương tự trang trí trên mặt trống đồng Đông Sơn, các hàng chim hay hưu chạy quy tụ vào trung tâm là hình mặt trời. Ở cạp váy vòng tròn quy tụ hình ống. Đây là điểm đồng nhất của văn hóa Việt Mường thú vị từ buổi xa xưa Lạc việt còn lại đến ngày nay. Rang dưới chỉ dệt một hình động vật như rồng, công rùa,…nối đuôi nhau chuyển động trên cạp váy. Phần Cayl là những sợi vàng, xanh, đỏ…sặc sỡ xếp theo chiều ngang dải, làm sống động các con vật

Ngoài ra trang phục Mường còn có cái yếm (cái yêm) đây là một vuông vải nhỏ đặt chéo trước ngực với nhiều màu sắc trắng, tím, đỏ. Ngày nay phụ nữ Mường bỏ cái yếm, mặc áo lót gọi là áo báng bó sát người.  Đặc biệt cái áo là phần ngoài nhưng rất quan trọng để tạo nên bộ trang phục của phụ nữ Mường. Áo gồm áo pắn (cái áo ngắn) và cái chùng. Áo ngắn chỉ may chấm thắt lưng, dài hoặc cộc tay, hở bụng không cài khuy để có thể khoe cái cạp váy. Áo cũng đủ màu sắc trắng, xanh, hồng. Cái áo chùng để quá đầu gối là cái áo ngắn kéo dài, cũng hở bụng không cài khuy, khi mặc hai vạt áo ấp vào nhau, bên ngoài thắt cái khăn dẹt áo. Áo dài đủ màu chỉ mặc này Tết, ngày hội…

 

Các cô gái duyên dáng trong trang phục dân tộc Mường (Ảnh sưu tầm)

Bên cạnh cái áo thì cái Tênh là dải khăn thắt ra ngoài cạp váy cho Rang dưới. Tênh thường làm bằng lụa tơ tằm nhiều màu, luồn qua bộ xà tích bằng bạc thõng xuống bên phải bụng dưới. Dây xà tích vừa là vật đeo trang sức, vừa đeo túi đựng trầu cau, quả đào bằng bạc đựng vôi…

Khăn đội đầu (bít trôốc) cũng là một phần không thể thiếu của trang phục Mường có ý nghĩa quan trọng, chỉ những người phụ nữ đã lập gia đình, khi tóc dài đã quấn gọn, trên đội khăn để nếp gấp vuông góc quanh trước đầu, phía sau buộc gài chắc hai đầu vào mép khăn sau. Khăn thường màu trắng, người Mường quan niệm màu trắng là sự tinh khiết, thanh cao, thủy chung của người phụ nữ gắn liền với sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”

Mỗi khi các cô gái Mường khoác lên mình bộ trang phục rực rỡ, tựa như những bông hoa rực rỡ vùng Tây Bắc. Từng đường kim, mũi chỉ, chi tiết trên trang phục không chỉ thể hiện văn hóa mà còn là niềm từ hào của người phụ nữ Mường khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc được truyền từ bao đời nay.

 

Ngọc Thi

04/08/2023