Thăm Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam

Chuyến thăm đã kết thúc từ gần một tuần nay rồi, nhưng dư âm của nó vẫn đọng lại trong tôi và các bạn bè cùng đi. Một bà bạn trong đoàn, TS. Châu Thị Hải đã viết một bài thật hay về chuyến đi đó và đăng trên FB của bạn. Những bạn khác không viết nhưng đều bày tỏ sự hài lòng về chuyến thăm đầu tiên tới Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam!
 
 
Còn tôi? Thật sự là tôi vô cùng ngạc nhiên về quy mô và cảnh quan của công viên. Nó không chỉ rất rộng ( tới 30 ha) mà còn có rất nhiều cảnh quan độc đáo và vô cùng đẹp. Tôi đặc biệt ấn tượng với những kiến trúc đã hiện hữu ở Công viên hay còn đang trong quá trình được hiện thực hoá. Trong khuôn viên Công viên bạn có thể chiêm ngưỡng một toà nhà 2 tầng sơn màu trắng mà thoạt nhìn bạn có thể nhận ra ngay kiến trúc kiểu Pháp. Dọc lối đi dạo, lát xi măng uốn lượn ven hồ, đang dần hiện lên một kiến trúc hình tháp kiểu Hy lạp- La mã. Đưa mắt xuống phía bên kia một chiếc hồ nhỏ, nước trong xanh là một ngôi nhà sàn mang dáng dấp nhà sàn Tây nguyên với mái lợp màu ghi đen. Kiến trúc lớn nhất trong công viên là ngôi nhà Quyển sách. Ngôi nhà giống như một quyển sách mở trên đó ghi dòng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh: ”Cuộc sống như một chiếc thang không có nấc cuối”. Toà nhà xây dựng trên một quả đồi cao, từ đó có thể phóng tẩm nhìn toàn bộ cảnh quan công viên. Vật liệu xây nhà được nhập từ Nhật bản. Giáo sư Nguyễn Anh Trí và các cộng sự muốn các công trình kiến trúc của họ phải đẹp về hình thức, vững bền với thời gian!
 
 
Nhìn toàn cảnh công viên vào thời điểm hiện nay đã thấy rõ sự công phu và tiền bạc mà những người khởi xướng và đang hiện thực hoá ý tưởng của họ, bỏ ra để chúng tôi, những du khách tới thăm, có thể chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc đa dạng và độc đáo như vậy!
 
Điều tôi thích thú hơn nữa khi đi dạo trong công viên là những khu rừng nhỏ ở đó người ta trồng những hàng cây dáng thẳng, thân trắng gợi nhớ những hàng bạch dương ở nước Nga, nơi tôi từng du học suốt 4 năm (1982-1986). Không khí trong công viên thật trong lành. Bạn tôi, PGS.TS. Đinh Thu Cúc, người đang sống ở khu đô thị Ecopark, nơi cảnh quan và không khí đẹp và trong lành nhất ở các tỉnh phía Bắc cũng phải thốt lên: Không khí ở đây trong lành quá! Đi dọc những hàng cây đó, tôi thầm ước có thể lưu lại công viên vài ngày vừa để được thụ hưởng bầu không khí lý tưởng nơi đây vừa thả hồn về với những ký ức thời con gái xa xưa đầy mộng mơ của mình! Hiện nay công viên đang xây dựng nhà lưu trú.
 
Chẳng bao lâu nữa, ngôi nhà đó sẽ hoàn thành! Ước muốn của tôi rồi sẽ thành hiện thực! Điểm ấn tượng thứ ba của tôi là khu trưng bày và lưu giữ những di sản của các nhà khoa học. Tôi may mắn được có tên trong danh sách các nhà khoa học được lưu giữ di sản tại toà nhà Quyển sách! Thật ra di sản của tôi và nhiều nhà khoa học khác không có gì nhiều so với các cây đại thụ trong nền Sử học Việt nam. Nhiều nhất, lứa khoa học gia chúng tôi chỉ có thể được coi là học trò khá, giỏi của các Thầy Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Vũ Dương Ninh…Nếu so với các đại thụ lớp trên nữa: Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn, lứa chúng tôi chỉ là hàng cháu ngoan, học giỏi thôi. Vậy mà Trung tâm di sản đã lưu giữ di sản khoa học nhỏ nhoi của chúng tôi với một sự trân trọng không khác gì di sản của các nhà khoa học lớn. Có lẽ đối với GS. TS. Nguyễn Anh Trí, không có sự phân biệt trong lưu giữ di sản của các nhà khoa học. Di sản nào cũng quý và cũng đáng trân trọng. Có những nhà khoa học lớn, tạo dấu ấn trong nền y học, toán học quốc tế như GS. Tôn Thất Tùng, GS. Hoàng Tuỵ, nhưng cũng có các nhà khoa học mới chỉ làm được việc xây dựng một bộ môn khoa học mới cho Việt nam như GS. Trần Quốc Vượng với Cơ sở Khảo cổ học, GS. Vũ Dương Ninh với ngành Quốc tế học, GS. TS. Phạm Đức Dương với Đông Nam Á học…
 
 
 
Nhưng nhìn từ lịch sử phát triển ngành ở Việt nam, những đóng góp của các giáo sư, các nhà khoa học đó là rất lớn. Không có họ, không có hoặc chưa có ngành Khảo cổ học, Quốc tế học hay Đông Nam Á học tai Việt nam. Có lẽ GS. Nguyễn Anh Trí hiểu rất rõ điều này nên đã dành sự trân trọng cho tất cả di sản của các nhà khoa học, không phân biệt giá trị quốc tế hay quốc nội của những di sản đó. Tôi thật sự cảm động khi nhìn thấy cuốn học bạ thời phổ thông của mình được đặt trang trọng trong ngăn tủ kính của phòng trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” Những sản phẩm khoa học của tôi, trong đó có Luận án Tiến sỹ và công trình khoa học lớn nhất, cũng là tác phẩm mang tính tổng kết các kết quả nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á đương đại của tôi, cùng nhiều ghi chép khi làm việc ở nước ngoài đã được Trung tâm lưu giữ trong 4 chiếc hộp đặt trong kho lưu trữ di sản của các nhà khoa học.
 
 
Cám ơn Trung tâm và Công viên di sản đã dành cho tôi sự trân trọng đó. Và hơn tất cả cám ơn GS. TS Nguyễn Anh Trí vì ý tưởng cao quý và sự trân trọng của Ông đối với các nhà khoa học Việt nam! Nhờ Ông, di sản khoa học của chúng tôi được lưu giữ lâu dài! Nhờ Ông, các nhà khoa học Việt nam đã có được địa điểm tin cậy để gửi lại các di sản của mình! Cũng nhờ Ông, bạn bè quốc tế sẽ có cơ hội hiểu biết một cách hệ thống và toàn diện về lịch sử phát triển của nền khoa học Việt nam và những đóng góp của nền khoa học đó đối với nền khoa học thế giới!
 
Một ấn tượng nữa về chuyến thăm Công viên di sản là sự tận tình chu đáo của các cán bộ Trung tâm và Công viên. Nguyễn Thanh Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm đã tháp tùng đoàn trong suốt chuyến đi. Thúy Tiềm lo liên lạc và luôn quan tâm tới các nhà khoa học và bạn bè, người thân của họ,. Nguyễn Viết Định không chỉ giúp chúng tôi hiểu rõ lịch sử hình thành công viên mà còn giới thiệu và làm nổi bật những điểm nhấn về cảnh quan, về kiến trúc độc đáo của công viên. Minh Đức giúp chúng tôi có những tấm hình thật đẹp để ghi nhớ chuyến đi đầu tiên về Công viên di sản. Cô cán bộ nữ xinh xắn tên Linh Đảm nhớ rõ lịch sử từng hiện vật trong hai phòng trưng bày tại Tòa nhà Quyển sách. Em đã rất tinh tế khi làm nhiệm vụ thuyết minh . Khi thấy nhà khoa học có hiện vật đang được trưng bày , em đã mời chính họ nói về công trình khoa học của minh.
 
 
Việc thiết kế chuyến thăm cũng không thể tốt hơn. Chúng tôi được đưa đi thăm toàn bộ Công viên trên xe điện, ngắm nhìn và chụp ảnh kỷ niệm tại những điểm đẹp nhất ở đó, ăn trưa , nghỉ ngơi rồi mới thăm các phong trưng bày, các kho lưu trữ di sản của mình và của các nhà khoa học khác. Điểm cuối cùng trong chuyến đi là vườn cam ở đó mọi người tha hồ ngắm nhìn và chọn mua nhưng quả cam tươi, sạch để đem về làm quà cho gia đình.
 
 
Một chuyến đi tuyệt vời! Tôi phải nói vậy về chuyến thăm Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam vừa qua.
 
Cám ơn các em rất nhiều vì sự đón tiếp nồng hậu và nhiệt tình của tất cả các em
 
Chúc Trung tâm di sản và Công viên di sản các nhà khoa học Việt nam ngày càng phát triển hơn nữa! Chúng tôi sẽ trở lại Công viên nhiều lần nữa để được chứng kiến các thành tựu mới của Công viên, cả trong trưng bày, phát huy các giá trị của di sản các nhà khoa học Việt nam, cả trong hoàn thiện cơ sở vật chất của Công viên!