Sự ra đời của lõi neo cáp bê tông dự ứng lực Việt Nam

Trong xây dựng, dù là nhà ở hay những cây cầu, đều cần có dầm, cột để đảm bảo độ bền vững; các dầm bê tông có khả năng chịu sức nén tốt, nhưng chịu lực kéo thì kém hơn, dẫn tới hiện tượng nứt bề mặt công trình. Để chống lại hiện tượng này, người ta thường sử dụng phương pháp dự ứng lực cho dầm bê tông, cụ thể là đặt các sợi cáp vào trong dầm bê tông, kéo căng sợi cáp cho đến khi bê tông đông cứng và bám chắc vào thép mới thôi. Việc căng kéo cáp như vậy được thực hiện thông qua cơ cấu neo và lõi neo là bộ phận quan trọng nhất bởi nó tiếp xúc trực tiếp với cáp và truyền lực cho cáp khi kéo.

Cho tới nay, các công trình giao thông, xây dựng ở nước ta sử dụng số lượng lõi neo rất lớn và đều phải nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Thụy Điển, Đức…, với giá rất đắt. Thông qua đề tài KC.02.21/06-10 “Chế tạo lõi neo cáp bê tông dự ứng lực thay thế lõi neo nhập ngoại”, thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, GS.TS Lê Thị Chiều đã chế tạo thành công sản phẩm lõi neo của Việt Nam, đạt tiêu chuẩn chất lượng, bước đầu đưa ứng dụng khoa học nhiệt luyện trong nước vào thực tiễn, giảm giá thành sản phẩm.

Bản quyết định của đề tài KC.02.21/06-10 đã được GS.TS Lê Thị Chiều trao tặng Trung tâm Di sản. Kể từ ngày 2-8-2021, tài liệu này sẽ được trưng bày tại triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Trân trọng mời quý vị cùng đến tham quan, lắng nghe câu chuyện phía sau bản quyết định và quá trình thực hiện đề tài của vị nữ giáo sư duy nhất của ngành cơ khí tại Việt Nam!