Từ ngày 30-8-2021, một tài liệu mới sẽ được bổ sung và trưng bày trong triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, đó là Bản thảo báo cáo “Một số kết quả nghiên cứu về khí hậu xây dựng ở Việt Nam” của PGS.TS Trần Việt Liễn – nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng – Khí hậu, Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, để quý vị có thêm góc nhìn về những ứng dụng của ngành Khí tượng thủy văn trong thực tiễn.
Chân dung PGS.TS Trần Việt Liễn
Việt Nam là một đất nước có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nóng ẩm, nhiều nắng nên gây ảnh hưởng rất lớn tới các công trình xây dựng. Chính vì vậy, khi thiết kế các công trình hay quy hoạch những khu đô thị cần có những nghiên cứu, phân tích tác động của khí hậu đến công trình, để đảm bảo tính bền vững cũng như sự phù hợp với thời tiết tại Việt Nam.
Trước đây, công việc của PGS.TS Trần Việt Liễn tại Đài nghiên cứu khí tượng Trung ương, chỉ đơn thuần là chỉnh lý số liệu khí hậu thu được từ các đài khí tượng để phục vụ việc dự báo, nghiên cứu khí hậu. Nhưng từ khi tổ Khí hậu ứng dụng (thuộc Đài nghiên cứu khí tượng Trung ương) được thành lập năm 1972, ông đã chuyển sang nghiên cứu khí tượng nhằm ứng dụng cho nhiều ngành khác nhau như xây dựng, vận tải, y học… Sau hơn 10 năm triển khai, PGS.TS Trần Việt Liễn đã tham gia vào nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ đắc lực cho ngành xây dựng. Những nghiên cứu này được ông tổng hợp trong báo cáo “Một số kết quả nghiên cứu về khí hậu xây dựng ở Việt Nam”, được trình bày tại hội nghị khoa học của Viện Khí tượng thủy văn vào năm 1985 và được đánh giá cao.
Bản thảo viết tay báo cáo “Một số kết quả nghiên cứu về khí hậu xây dựng ở Việt Nam” của PGS.TS Trần Việt Liễn
Nội dung bản bảo cáo là tóm tắt kết quả của 6 đề tài mà PGS.TS Trần Việt Liễn đã tham gia nhằm phục vụ ngành xây dựng, mỗi đề tài đều có những thành công và đóng góp riêng. Trong đó, phải kể tới đề tài “Xác định cường độ mưa tính toán trên mặt ngang và mặt đứng với vấn đề thoát nước mùa đô thị và chống hắt cho công trình”. Việc tính toán được cường độ mưa trong công trình này có ý nghĩa quan trọng đối với việc quy hoạch, thiết kế các hệ thống thoát nước đô thị, việc chống dột cho các công trình. Các số liệu của đề tài đã được Bộ Xây dựng đánh giá và đưa vào sử dụng trong tiêu chuẩn nhà nước về thoát nước mưa đô thị.
Với đề tài “Tốc độ gió tính toán và việc xác định tải trọng gió lên công trình xây dựng”, PGS.TS Trần Việt Liễn đã chỉ ra ảnh hưởng của tốc độ gió tạo ra áp lực với kết cấu của công trình. Vì vậy, kết cấu công trình cần đáp ứng những yêu cầu nhất định để đảm bảo độ thông thoáng.
Đặc biệt, trong đề tài “Phân vùng khí hậu xây dựng Việt Nam: Phục vụ thiết kế điển hình nhà ở” (một nhánh của đề tài cấp Nhà nước Phân vùng khí hậu xây dựng Việt Nam và các giải pháp kiến trúc) mà PGS Trần Việt Liễn được Bộ Xây dựng mời tham gia năm 1975, đã phân vùng lãnh thổ Việt Nam thành 5 vùng khí hậu: Đông bắc và Việt bắc; Tây bắc và Bắc Trường Sơn; Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; Tây Nguyên; Đồng bằng Nam bộ và Nam Trung bộ. Sau đó, việc phân vùng này được triển khai thành bản đồ phân vùng khí hậu xây dựng của Việt Nam, góp phần vào việc xây dựng chiến lược xây dựng ở các vùng, làm cơ sở cho việc lựa chọn loại hình kiến trúc phù hợp với mỗi vùng khác nhau.
Còn rất nhiều những thông tin thú vị về PGS.TS Trần Việt Liễn và những đề tài của ông trong tài liệu này, mà quý vị sẽ được tham quan, tìm hiểu khi đến với triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật”. Xin trân trọng kính mời!