Mo Mường một nét đẹp văn hóa

Khi nói về người Mường, không thể không nhắc tới “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”, một câu nói khái quát về phong tục và cuộc sống của người dân Mường. Không chỉ vậy, văn hóa Mường còn ẩn chứa nhiều tinh hoa được gìn giữ từ lâu đời, trong đó mo Mường được xem như một bộ “Bách khoa toàn thư” về dân tộc này.

Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian, gắn liền với đời sống tín ngưỡng của đồng bào Mường. Trong mo chứa đựng những tinh hoa văn hóa Mường, đó là tập hợp nhiều câu chuyện cổ, truyền thuyết dân gian, thần thoại, sử thi. Các câu chuyện đó phản ánh lịch sử, giải thích sự vật, hiện tượng trong cuộc sống từ thời xa xưa. Những bài mo đều có những nét độc đáo riêng, thể hiện cách nhìn riêng về thế giới, phản ánh xã hội và phong tục của đồng bào Mường. Bên cạnh đó, các bài mo cũng là nơi lưu giữ những kiến thức về văn hóa, kinh nghiệm từ xa xưa của người Mường. Đặc biệt, hệ thống tiếng Mường cổ được lưu giữ khá trọn vẹn trong mo Mường. Đây là một điều hết sức quan trọng vì người Mường không có chữ viết riêng. Mo Mường còn chứa đựng trong đó giá trị về văn học, diễn xướng, âm nhạc, múa và sân khấu.

Nghệ nhân mo còn được gọi là ông Mo, thầy Mo (hoặc ông Tlượng), là những người trực tiếp diễn xướng mo trong các nghi lễ. Các bản mo được xem như “Bách khoa toàn thư” của người Mường, nhưng lượng thông tin đồ sộ trong đó lại không phổ biến và chỉ được truyền khẩu qua các đời thầy Mo, nên có thể nói thầy Mo là những người nắm giữ những tinh hoa văn hóa dân gian của người Mường.

Hiện tại, mo Mường có một số thể loại chính: Mo nghi lễ, mo kể chuyện và mo nhòm.

Mo nghi lễ: Loại mo này bao gồm những bài mo gắn với các lễ nghi trong đời sống tín ngưỡng của người Mường, như: lễ tết Nguyên đán, lễ rửa lá lúa, lễ tế Thành hoàng, lễ tang, lễ cưới…

Mo kể chuyện: bao gồm những bài mo có chức năng kể chuyện. Thể loại mo này không cố định về mặt nội dung mà phụ thuộc vào không gian, thời gian, hoàn cảnh hành lễ, sự sáng tạo của thầy Mo và chỉ bắt buộc phải có ở một số nghi lễ.

Mo nhòm: đây là loại mo tả cảnh, nội dung hầu hết là miêu tả về phong cảnh, đất nước, con người. Thể loại này được mo xen kẽ trong mo nghi lễ và mo kể chuyện, nội dung cũng không cố định. Có thể coi đây là một “thứ gia giảm” cho mo nghi lễ.

Bài mo Đẻ đất đẻ nước (nguồn kênh Youtube VIET ART FILM)

Hiện có khoảng hơn 20 nghi lễ sử dụng mo: nghi lễ cầu phúc lộc, lễ trừ tà, các lễ hội dân gian… trong đó mo được sử dụng nhiều nhất là trong lễ tang. Để tiến hành đầy đủ mo Mường phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng mo (tương đương như các chương, hồi trong tiểu thuyết) và hơn 44.000 câu thơ mo (theo nghiên cứu của nhà sưu tầm văn hóa dân gian Bùi Thiện).

Trong mo Mường thì thể loại mo sử dụng trong tang lễ là một trong những mo phổ biến và thường gặp nhất trong đời sống của đồng bào Mường. Mo tang lễ thường kể về các chuyện lịch sử, răn dạy người ở lại, chỉ đường để hồn người đã khuất đi tiếp hành trình đến với thế giới bên kia.

Trong nghi lễ tang ma của người Mường, các đêm mo có khi kéo dài đến 12 đêm. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại phong tục tang ma của người Mường cũng đã có những thay đổi, nên không còn được đầy đủ như trước. Hiện nay theo phong tục của người Mường tại Cao Phong, Hòa Bình tang lễ được tổ chức làm 4 bữa ăn chung cho người mất, đó là: Bữa vào áo, bữa mo lên – mo xuống, bữa cơm hôm, bữa nồi đi. Mỗi bữa ăn lại có nghi lễ và ý nghĩa khác nhau.

Bữa đầu tiên, thầy Mo sẽ báo với người đã khuất rằng từ nay họ đã là ma. Trong bữa này, thầy Mo diễn xướng mo sử thi Đẻ đất đẻ nước, hướng dẫn người đã khuất về những tập tục ở thế giới bên kia.

Bữa thứ hai thầy Mo sẽ mo dẫn linh hồn đến mường Trời để đi gặp tổ tiên, thu xếp nơi ăn, chốn ở và chỉ cho linh hồn đường đi lối lại, tránh lầm đường, lạc lối. Sau đó, thầy mo lại đưa hồn người đã khuất về.

Bữa thứ ba, thầy Mo đưa linh hồn người mất đi chợ âm để mua quần áo, đồ dùng. Sau khi đưa hồn về nhà, thầy Mo sẽ tiến hành mo để hồn người đã khuất chia tay với con cái, họ hàng còn sống. Lúc này, linh hồn biết rằng họ đã không còn sống ở cõi dương nữa mà đã về với cõi âm, từ nay không được quyến luyến, quấy nhiễu người trần.

Bữa cuối cùng, thầy Mo cho người đã khuất nhìn lại cảnh vật, đồ vật quen thuộc khi còn sống và tạm biệt tất cả họ hàng, làng xóm lần cuối trước khi về mường Trời. Sau bữa cơm này là thời điểm đưa người đã khuất ra nghĩa địa, thầy Mo sẽ đi trước đoàn người một quãng xa để dẫn hồn người chết đến an nghỉ cuối cùng.

Đưa tang xong, một số nơi còn tổ chức bữa “gọi lại”, thầy Mo sẽ khấn gọi vía của người còn sống, để vía không đi theo người đã khuất.

Có thể nói, với đồng bào Mường, mo trong tang lễ có ý nghĩa đặc biệt, bắt buộc phải có để thuyết phục và chỉ dẫn cho người đã khuất về với thế giới bên kia. Nếu như mo không đúng thì linh hồn người đã khuất sẽ không về được mường Trời, người Mường rất sợ những linh hồn đó sẽ quay lại làm hại con cháu trong nhà. Có lẽ vì vậy, hiện nay dù nhiều thể loại mo nghi lễ đã bị mai một hoặc không còn được thực hiện, nhưng mo tang lễ vẫn được duy trì trong các đám tang của người Mường. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền mo tang lễ sẽ có những dị bản riêng, do người Mường không có chữ viết riêng nên các bản mo đều chỉ được truyền khẩu từ đời này sang đời khác.

Mo Mường là loại hình di sản chứa đựng những tinh hoa văn hóa đặc sắc trong đời sống người Mường, với những nét đặc sắc và giá trị vô giá đó, Mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chọn lựa là di sản cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Minh Đức