Ngoài ra, hãy dán mã này ngay sau thẻ mở :
0844 56 56 56
question_answer
close
Tư vấn miễn phí
Kính chào Quý khách, Em là tư vấn viên Meddom Park sẵn sàng hỗ trợ ạ!

PHONG TỤC ĐÓN TẾT CỦA NGƯỜI MƯỜNG HÒA BÌNH

30/01/2022

PHONG TỤC ĐÓN TẾT CỦA NGƯỜI MƯỜNG HÒA BÌNH

Tết đến xuân về, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc tại Việt Nam lại có những phong tục đón Tết khác nhau, mang đậm bản sắc riêng. Nhưng tất cả đều có một điểm chung đó là ước mong về sự sung túc, ấm no, hạnh phúc trong năm mới. Đối với đồng bào dân tộc Mường tại Hòa Bình nói riêng và ở Việt Nam nói chung, Tết còn được xem là ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong năm. Đây là một nét văn hóa đẹp từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả.

Tết của người Mường thường được tính từ ngày 27 tháng Chạp, khác với người Kinh tính từ ngày tiễn Ông Táo chầu trời (23 tháng Chạp). Tuy vậy, việc chuẩn bị cho ngày lễ đặc biệt này đã được các thành viên trong gia đình thực hiện từ giữa tháng Chạp: Chặt cây giang hoặc nứa (loại bánh tẻ) để tước làm lạt; Lấy lá dong, lá chuối để gói các loại bánh và bày trên mâm cỗ cúng.

 

Phụ nữ Mường gói bánh chưng chuẩn bị cho Tết

Dịp Tết, mỗi gia đình người Mường đều trồng một cây Nêu cao có treo cờ, lối ra vào và các cửa sổ còn được bố trí thân cây sậy hoặc cây mía nhằm xua đuổi tà ma, bảo vệ con người. Bàn thờ của người Mường cũng bày biện mâm ngũ quả và đặc biệt là hai cây mía được dựng 2 bên với ý nghĩa tượng trưng để ông bà chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên về hạ giới. Nhà cửa phải được dọp dẹp gọn gàng, các đồ dùng, nông cụ: Cày, bừa, cuốc, xẻng, nồi niêu, bát đũa… đều được dọn, rửa sạch sẽ. Đây là một hình thức tẩy sạch những bụi bẩn của năm cũ, cảm ơn những vật dụng đã giúp đỡ con người trong một năm qua, để chúng cũng được ăn Tết cùng con người.

Những ngày giáp Tết, các con cháu tập trung trước nơi yên nghỉ của ông bà, tổ tiên để quét dọn, phát quang, sửa đắp lại mộ phần và làm lễ mời tổ tiên về ăn Tết. Thông thường hoạt động này bắt đầu vào ngày 27 tháng Chạp, một số nơi tiến hành vào sáng 30 Tết. Đồng bào Mường mổ lợn ăn tết từ khá sớm, có nơi từ ngày 25 tháng Chạp, thường sẽ có 2-3 gia đình thịt chung nhau một con lợn, người Mường gọi là ăn “đụng”. Đây là một nét văn hóa độc đáo thể hiện tính cộng đồng, gắn bó của đồng bào Mường.

Ngày 30 Tết được người Mường gọi là ngày “chín lụi”, bữa cơm chiều tối ngày này được xem là quan trọng và thiêng liêng, để giã từ năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới (tương đương như người Kinh gọi là bữa cơm tất niên).

Đêm giao thừa cả gia đình sẽ cùng nhau sắp mâm thờ cúng tổ tiên, mâm cúng thành hoàng làng Mường, mâm cúng thổ công vua bếp. Các mâm cúng sẽ có sự thay đổi ít nhiều, tùy thuộc vào phong tục riêng của từng Mường. Trong mâm cỗ cúng của người Mường thường có: xôi nếp; bánh chưng; bánh dày; bánh uôi; gà luộc; đầy đủ các phần trong một con lợn bày vào mảnh lá chuối; gắp cá nướng; chả nướng; một bát nước lã, trầu cau, mắm muối… Ngoài ra còn có thêm bánh kẹo, thuốc lào, rượu… Những món ăn cúng giao thừa thể hiện sự tri ân của con cháu đối với tổ tiên, ông bà. Người Mường sẽ thắp hương ở các mâm cơm cúng từ giao thừa cho tới chiều ngày Mùng một Tết, trong ngày này luôn có một người túc trực ở nhà để đón khách tới chúc Tết và duy trì thắp hương tại mỗi mâm cúng. Chiều Mùng một Tết các gia đình cùng hóa vàng trong một khung giờ nhất định, chủ nhà sẽ khấn mời ông bà, tổ tiên trở lại đất âm sau khi đã về ăn Tết với con cháu.

 

Mâm cỗ cúng ngày Tết của người Mường

Trong ngày Tết đồng bào Mường sẽ chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, các thiếu nữ Mường mặc váy đen, áo cánh trắng hoặc hồng, cạp váy thêu hoa văn rực rỡ, đeo xà tích bạc, đầu đội khăn trắng. Trẻ em thì mặc quần áo mới, dắt tay nhau đi chơi Tết. Những ngày này họ dành thời gian đến nhà anh em, họ hàng, bạn bè để chúc Tết, ngồi uống với nhau những chén rượu xuân.

Một trong những phong tục đặc sắc của người Mường ngày Tết, đó là hát Sắc bùa - một thể loại hát chúc mừng cho năm mới. Các phường Sắc bùa sẽ đánh chiêng đến từng nhà trong bản để hát chúc tụng gia chủ có một năm mới khỏe mạnh, ấm no, nhiều của cải. Chủ nhà sẽ đáp lễ lại bằng cơm rượu, quà bánh hoặc chút tiền lì xì. Tục lệ này có ý nghĩa mở nước đầu năm mới cho cư dân nông nghiệp vào làm vụ chiêm, tiếng chiêng Sắc bùa còn tượng trưng cho tiếng sấm gọi mưa xuống.

 

Hát Sắc bùa ngày Tết

Tết của người Mường thường sẽ kéo dài tới ngày Mùng 7 tháng Giêng, được gọi là ngày Khai hạ. Vào ngày này hầu như các bản Mường đều tổ chức lễ hội, đây là lễ hội lớn có quy mô rộng khắp xứ Mường Hòa Bình thể hiện sự tôn kính với các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản no ấm… Ngay sau phần lễ là nghi thức xuống đồng, cày đường cày đầu xuân để mở đầu một năm mới. Ngoài phần lễ, phần hội sẽ là những hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian như: Biểu diễn cồng chiêng; múa bông trăng, thi kéo co, ném còn, đánh cù, đánh mảng… Những món ăn đặc sắc trong ẩm thực của dân tộc Mường cũng được người dân mang tới lễ hội, như: Cá suối, thịt gà, ếch nấu măng chua, hạt dổi; thịt trâu lá lồm…. Lễ hội còn là dịp để các chàng trai, cô gái Mường giao lưu, trao duyên cùng nhau. Sau ngày Khai hạ, đồng bào Mường mới bắt đầu ra đồng trồng cấy, tiến hành các công việc của một vụ mùa mới.

Mặc dù theo thời gian, nhiều phong tục đã không còn như xưa nhưng Tết Nguyên đán của người Mường Hòa Bình vẫn là một nét đẹp văn hóa, mang đậm bản sắc dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy. Nếu có cơ hội về vùng đất Mường Hòa Bình vào dịp Tết, hãy cùng hòa mình và tận hưởng không khí vui xuân, đón Tết rất độc đáo cùng đồng bào Mường ở nơi đây.

Minh Đức

Ảnh: nguồn Internet

Tin tức liên quan

19/04/2024

Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, từ ngày 17/4 - 18/4/2024 MEDDOM Park đã tổ chức thành công chương trình ngoại khóa dành cho gần 1000 em học sinh từ các trường Trung học cơ sở Phú Thượng, Tây Hồ (Hà Nội) và trường Tiểu học Kim Đồng (Đà Bắc, Hòa Bình).

13/04/2024

Ngày 13/04/2024, những “bông hoa nhỏ xinh” trường mầm non Mai Hịch và Tòng Đậu (huyện Mai Châu, Hòa Bình) đã có một ngày trải nghiệm vô cùng ý nghĩa và đầy niềm vui với vô vàn hoạt động hấp dẫn tại MEDDOM PARK.

12/04/2024

Năm 2024, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với nghỉ lễ 30/4 và 1/5 có thể kéo dài 5 ngày liên tiếp. Đây là dịp người dân có nhiều thời gian để đi du lịch và nghỉ dưỡng. Hãy đến với MEDDOM Park -  chốn "Bồng lai tiên cảnh" ngay tại Hòa Bình, nơi bạn sẽ được trải nghiệm một kỳ nghỉ lễ đầy ý nghĩa và đáng nhớ.