Độc đáo Nhà sàn Di sản

Nếu bạn là người yêu thiên nhiên, muốn khám phá văn hóa bản địa, thì lưu trú ở Nhà sàn Di sản tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam là một lựa chọn vô cùng tuyệt vời. Nhà sàn Di sản lưng tựa đồi Quy Bối, mặt hướng suối Quy Thủy, tầm nhìn xa là hồ Tình Yêu thơ mộng. Với diện tích hơn 200m2, ngôi nhà này vừa phục vụ lưu trú cộng đồng, vừa là một phòng tổ chức sự kiện: lửa trại, giao lưu văn nghệ Tây Bắc hoặc các buổi hội thảo trang trọng, ấm cúng.

 

Điểm độc đáo của Nhà sàn Di sản là sự giao thoa văn hóa ba miền Bắc – Trung – Nam được kheó léo thể hiện ở cả kiến trúc nội, ngoại thất. Trong tương lai, các nhà khoa học nghiên cứu về dân tộc học sẽ được trưng bày và giới thiệu tại đây.

Ngôi nhà nguyên bản bằng gỗ tự nhiên, có nguồn gốc từ vùng đất Tây Nguyên. Dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã phục dựng tại công viên tại vị trí dựa trên đặc sắc của văn hóa đồng bào Mường với theo kiến trúc mặt trước nhà sàn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Mái nhà lợp bằng những lớp lá guột dày. Do lá guột có tính năng chống nóng tốt, không giữ nước, cạnh sắc giảm sự xâm nhập côn trùng có hại bên ngoài và có màu nâu bóng sang trọng, nên giúp mái nhà sàn vừa gần gũi với thiên nhiên vừa đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ.

Dưới mỗi chân cột nhà sàn là một con rùa đá được các nghệ nhân chạm khắc tinh tế từ những khối đá tự nhiên. Rùa không chỉ là tứ linh của đất Việt “Long, Ly, Quy, Phụng” mà còn là linh vật của đồng bào dân tộc Mường, nơi công viên tọa lạc. Trong văn hóa Mường, cụ rùa không những dạy người dân làm sinh kế mà còn chỉ cho người dân cách làm nhà sàn: “Bốn chân tôi là bốn cột cái/ Hai mai tôi là hai mái nhà/ Xương sống tôi là đòn nóc/ Chặt cây lim làm cột/ Lạt buộc bằng cây giang/ Cỏ gianh dùng để lợp” (Sử thi Đẻ đất, đẻ nước).

Tâm điểm giữa ngôi nhà, bếp lửa của đồng bào dân tộc Mường được tái hiện sinh động bằng những vật dụng gần gũi, gắn liền với đời sống sinh hoạt của bà con như: bếp lửa, gác bếp, giỏ, nơm, nồi, chõ,… tạo điểm checkin lửa trại sinh động và đậm nét văn hóa dân tộc Tây Bắc.

 

Bên trong nhà sàn, có trưng bày nhạc cụ và trang phục của đồng bào các dân tộc từ khắp ba miền Bắc – Trung – Nam như dàn cồng chiêng của dân tộc Mừơng, đàn T-rưng, đàn Nhị, đàn Tính,…

Ngay phía sau nhà sàn, là một bể trữ và lọc nước mưa bằng công nghệ Israel, dung tích lên đến 500m3, mô phỏng hình ảnh cây đàn tính – nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Bể nước khổng lồ này vừa có tác dụng điều hòa dòng lũ, tích trữ nước sạch vừa có tính thẩm mỹ cao. Dự kiến trong thời gian tới khi hoàn thành, công nghệ AI thông minh sẽ giúp cho những bậc thang – phím đàn có thể phát nhạc khi du khách dạo bước trên con đường này.

Giá trọn gói của Nhà sàn Di sản là 8,000,000đ/đêm, đã bao gồm đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuế giá trị gia tăng và phí phục vụ.

Với những trang thiết bị hiện đại, thiết kế độc đáo, đồng thời truyền tải giá trị khoa học dân tộc, Nhà sàn Di sản nhất định sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ khi tham quan và lưu trú tại đây.