Hiện nay, nhiều học sinh đã quen dần quen việc học online ở nhà, thông qua máy tính bảng, điện thoại thông minh… chắc hẳn sẽ thấy rất gò bó, nhà chán và mệt mỏi khi phải ở nhà quá lâu. Nhưng với các em học sinh, sinh viên thời chiến ngoài việc học còn tham gia kháng chiến và ẩn náu tránh bom đạn rất cực khổ.
Và trong số nhiều kỷ vật của nhà khoa học trao tặng cho Trung tâm Di sản, có một kỷ vật minh chứng cho sự tồn tại một lớp học hết sức đặc biệt. Đó là, lớp Đại học Hán học, do Viện Văn học mở tại nơi sơ tán trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cuốn học bạ hơn 50 năm của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh
Chủ nhân của cuốn học bạ là PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (nguyên phó Phòng Văn học cổ – cận đại, Viện Văn học). Cô là thành viên của lớp Đại học Hán học duy nhất, bởi chỉ có một khóa học từ 1965-1968, để bồi dưỡng kiến thức về chữ Hán, phục vụ công tác nghiên cứu của cán bộ Viện Văn học với khoảng 40 sinh viên tham gia học. Ở thời điểm đó, học sinh không có điều hiện học tập thuận lợi về cơ sở vật chất như bây giờ. Trường lớp được xây cất đơn sơ ở nơi sơ tán. Đó là ngôi nhà nửa nổi nửa chìm, bởi nền đào sâu xuống khoảng một mét, mái lợp lá cọ, tường đất đắp rất dày, có hai cửa ra giao thông hào dẫn đến các hầm trú ẩn, để khi báo động (có máy bay Mỹ) thì cả thầy và trò nhanh chóng chạy ra các hầm để tránh bom đạn. Dụng cụ học tập và sân chơi cũng thiếu thốn nhưng các em học sinh thời đó vẫn hăng hái học tập, các thầy cô giáo vẫn nhiệt tình giảng dạy.
Trang cuối của cuốn học bạ là lời nhận xét hoàn thành khóa học của hiệu trưởng – GS Đặng Thai Mai
Đặc biệt, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp làm một, đó là GS Đặng Thai Mai. Ngoài ra, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh còn có cơ hội học tập các nhà sư phạm thành danh như Hồ Tôn Trinh, Cao Xuân Huy, Phạm Thiều…Hiện nay, học sinh trong lớp học đặc biệt đó đều đã cao tuổi, nhiều người đã không còn nữa. Nhưng với PGS.TS Trần Thị Băng Thanh cuốn học bạ này, mãi là kỷ vật vô cùng quý, chứng tích về một lớp học đặc biệt và duy nhất, để từ đó giúp chúng ta cảm nhận rõ hơn về một thời học tập gian khó của các nhà khoa học.