Công viên Di sản có cả thế giới hoài niệm với nhiều hãng xe đạp, máy đánh chữ, đồng hồ… khác nhau. Tưởng chừng như những kỷ vật ấy vô tri mà lại là một bầu trời kỷ niệm, kể những câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt và nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam. Trong đó có câu chuyện về chiếc đồng hồ của GS Phan Cự Đệ.
Chân dung thời trẻ của GS Phan Cự Đệ.
Tháng 5-2021, trong chuyến tham quan cùng gia đình đến Công viên Di sản, bà Phan Thị Quỳnh Anh – con gái cố GS Phan Cự Đệ đã thay mặt gia đình trao tặng cho Công viên nhiều kỷ vật, trong đó có chiếc đồng hồ cùng lớn nhắn “Đây là chiếc đồng hồ gắn liền với bố tôi trong suốt 30 năm, nó không chỉ là kỷ vật của bố mà còn là kỷ vật của gia đình. Nay tôi thay mặt gia đình tin tưởng trao tặng Trung tâm Di sản và Công viên Di sản lưu giữ”.
Chiếc đồng hồ nhãn hiệu Pobeda của GS Phan Cự Đệ, 1965-1990
Bà Phan Thị Quỳnh Anh – con gái cố GS Phan Cự Đệ tham quan Công viên
Ngược dòng thời gian, giữa những năm tháng chống Mỹ ác liệt, anh trai GS Phan Cự Đệ – ông Phan Cự Nhân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội) hoàn thành việc học ở Liên Xô về Việt Nam. Trong hành trang trở về của ông có một chiếc đồng hồ nam, hiệu Pobeda (trong tiếng Nga, pobeda nghĩa là “chiến thắng”) để dành tặng em trai. Khi đó, ông Phan Cự Đệ đang là cán bộ tại bộ môn Văn học Việt Nam, khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Những ngày tháng sơ tán ở Việt Bắc (1965-1970), chiếc đồng hồ là vật dụng quan trọng bởi sự cần thiết, tiện lợi như lời con gái Quỳnh Anh kể: “Nhờ nó bố tôi có thể rèn luyện được thói quen dậy sớm. Hôm nào ông cũng dậy sớm nấu cơm cho tôi ăn sáng, rồi mới đi bộ đến lớp để dạy sinh viên”.
Năm 1970, ông Phan Cự Đệ cùng trường từ Việt Bắc chuyển về Hà Nội. Khi đó, ông sống cùng gia đình trong căn hộ rộng 28m2 ở khu tập thể Kim Liên. Căn hộ có ban công nhỏ để ông viết lách, mùa hè nóng như trong lò mà mùa đông gió lùa thấu xương. Ông thường làm việc liên tục, rồi nghỉ để ăn tạm vài chiếc kẹo lạc hoặc ngả lưng xuống chiếu trải ngoài ban công và chợp mắt. Mỗi lần như vậy, ông đều dùng chiếc đồng hồ đeo tay để xem giờ, chứ không dùng đồng hồ báo thức, vì sợ làm phiền đến mọi người trong gia đình. Tại căn nhà đó, nhiều đồng nghiệp ở trường Tổng hợp thường gọi đùa là “phòng đẻ”: nơi ông Phan Cự Đệ sinh ra những công trình nghiên cứu. Mặc dù sống trong thời kỳ bao cấp, cuộc sống khó khăn, nhưng ông miệt mài nghiên cứu và cho ra đời hơn 30 đầu sách. Trong đó, có nhiều tác phẩm lý luận phê bình văn học có giá trị lớn, như: Phong trào Thơ mới lãng mạn 1932-1945 (Nxb. Khoa học, 1969, tái bản năm 1982); Tự lực văn đoàn – con người và văn chương (Nxb. Văn học, 1990); Giáo trình Văn học Việt Nam 1900-1945 (Nxb. Giáo dục, 1997)…
Sau này, có nhiều dịp đi công tác ở Liên Xô, có thể mua những chiếc đồng hồ mới, nhưng ông vẫn đeo chiếc đồng hồ của anh trai tặng như một bảo vật đặc biệt. Năm 1990, khi chiếc đồng hồ đã quá cũ, ông mới thay sang cái mới và cất chiếc đồng hồ làm kỷ niệm.