Mỗi lần xem lại tấm thiệp cưới, PGS.TS Nguyễn Lệ Thi đều không giấu nổi ánh mắt nghẹn ngào, hoài niệm về người chồng đã mất và câu chuyện tình yêu gắn liền với tấm thiệp này. Chính ánh mắt ấy khiến bất kỳ ai cũng phải tò mò về câu chuyện phía sau tấm thiệp – thời điểm vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Chiếc thiệp cưới được PGS.TS Trịnh Cao Tưởng và PGS.TS Nguyễn Lệ Thi lưu giữ từ năm 1975 đến nay
Ông Trịnh Cao Tưởng và bà Nguyễn Lệ Thi vốn là tiền bối – hậu bối khi cùng theo học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bà Thi đỗ vào khoa Lịch sử của trường Năm 1967, khi đó ông Tưởng đang là sinh viên năm tư.
Dù sống trong thời chiến, nhưng may mắn ông bà vẫn có cơ hội trải qua những kỷ niệm sinh viên đầy tươi trẻ, nhiệt huyết. Mỗi lần họp khoa, các sinh viên trong khoa thường tụ tập biểu diễn văn nghệ. Đây cũng chính là thời điểm chàng trai có tài năng đạo diễn, đã từng dành giải nhất về viết kịch bản cho vở kịch Phaton Krexet của Liên Xô khi diễn ở khoa lịch sử đã phải lòng tiếng hát của cô sinh viên năm nhất. Đánh dấu sự chớm nở của mối tình thời xuân thanh.
Sau khi ông Trịnh Cao Tưởng tốt nghiệp (lúc này bà Nguyễn Lệ Thi đang học năm thứ 2), ông nhận lời làm huấn luyện viên quân sự cho khóa dưới trong một tháng trước khi về công tác tại Viện Khảo cổ.
Đây cũng là lúc ông chính thức đặt vấn đề tình cảm với bà. Khi biết chuyện, tất cả bạn bè của bà đều phản đối, khuyên ngăn bởi ông quá thông minh, sắc sảo, trong khi bà là người con gái nông thôn, vốn hiền lành, chất phác.
Ra trường bà Thi được phân về công tác tại Việt Nam Thông tấn xã, nhưng vì không muốn trở thành phóng viên nên bà đã làm hồ sơ xin về Ủy ban Khoa học xã hội.
Sau khi được phân công về Viện Sử học công tác, bà cùng mọi người trong Viện đi sơ tán tại Hiệp Hòa – Bắc Giang, cũng chính là quê nhà của bà. Bà Thi thường về thăm nhà vào dịp cuối tuần, thỉnh thoảng ông Tưởng cũng đi theo, dần dần mọi người trong gia đình ai cũng quý mến và mặc nhiên coi ông Tưởng là người yêu của bà.
Năm 1973, dự định đi bộ đội làm phi công của ông Tưởng không thành, gia đình ông đã lên Bắc Giang gặp gia đình bà Thi để dạm ngõ. Ông Trịnh Cao Tưởng và bà Nguyễn Lệ Thi chính thức nên duyên, lễ thành hôn của hai người diễn ra vào ngày 19-1-1975.
Tấm thiệp cưới do chính cụ Trịnh Cao Bàn – bố của PGS.TS Trịnh Cao Tưởng đặt in do khách mời của nhà trai chủ yếu đang công tác trong các cơ quan nhà nước, nên cần sử dụng thiếp mời để tăng tính lịch sự trong lời mời. Còn bên nhà gái khách mời là người làng nên không cần sử dụng đến thiếp mời, tấm thiệp đã được bà Thi trân trọng lưu giữ suốt hơn 45 năm, như muốn lưu lại từng kỷ vật, từng khoảnh khắc trong mối tình của ông bà. Mãi sau này, một người bạn của bà tình cờ phát hiện chiếc thiệp cưới bị in lỗi, tên bố mẹ cô dâu bị in nhầm sang tên bố mẹ chú rể và ngược lại, thật thú vị bà cũng như mọi người trong gia đình nhà trai không ai phát hiện ra trong suốt bao năm.
Sau 11 năm kể từ khi PGS.TS Trịnh Cao Tưởng qua đời, ngày 28-10-2014 PGS.TS Nguyễn Lệ Thi đã tin tưởng tặng tấm thiệp này cho Trung tâm Di sản. Hiện tại đang được lưu giữ tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Di sản của các nhà khoa học Việt Nam đâu phải chỉ là những bản thảo, bài nghiên cứu… Đó còn là những kỷ vật, những câu chuyện cuộc đời, rất đời, rất người, như câu chuyện về tấm thiệp cưới này