[Báo điện tử CAND] Nơi di sản các nhà khoa bọc được lưu giữ bền vững

Theo thời gian, rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam đã đi xa, nhưng những ký ức, câu chuyện làm nên một phần lịch sử nền khoa học nước nhà mang dấu ấn của họ vẫn đang hàng ngày được thu thập, lưu giữ cẩn thận, tỉ mỉ tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Meddom Park, trực thuộc Tập đoàn Med Group), có địa chỉ tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình, là nơi lưu giữ hàng ngàn hiện vật, bút tích, sách và nhiều tư liệu “có một không hai” của gần 2.000 nhà khoa học Việt Nam từ thế kỷ 20.

Toà nhà Quyển sách – được ví như Trái tim dự án Công viên Meddom Park.

Nằm giữa núi rừng Tây Bắc bạt ngàn và xanh biếc, tổ hợp Công viên Meddom Park khiến bất cứ ai tới đây đều choáng ngợp bởi kiến trúc độc đáo, bởi mỗi công trình đều một tác phẩm nghệ thuật và cân bằng hoàn hảo giữa con người, thiên nhiên. Trong đó, Tòa nhà Quyển sách là nơi lưu trữ những tư liệu quý nói trên, là trái tim của toàn thể dự án.

Theo đại diện Meddom Park, Tòa nhà Quyển sách được thiết kế mô phỏng đúng theo hình ảnh cuốn sách đang mở ra – biểu tượng của tri thức. Bên trong tòa nhà, hàng chục nhân viên, chuyên gia Meddom Park đã và đang miệt mài suốt hơn một thập kỷ qua sưu tầm, xử lý, bảo quản và trưng bày những di sản, tư liệu quý nhất của các nhà khoa học Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Anh Trí giới thiệu một mẫu vật trong kho lưu trữ tại Meddom Park. “Mỗi hiện vật, bút tích đều có câu chuyện của riêng nó”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Để có được những hiện vật, tư liệu và tài liệu quý giá để lưu trữ và trưng bày, các chuyên gia của Meddom Park và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cùng trực thuộc Med Group, đã dành hàng tháng, thậm chí hàng năm trời gặp mặt trực tiếp các nhà khoa học, các cộng sự của họ; đồng thời tiếp xúc với người thân các nhà khoa học và làm việc với các nhân chứng.

Vào năm 2010, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam mới tiếp cận được trên 100 nhà khoa học, thực hiện gần 2.000 phút video, 10.000 phút ghi âm và có hàng nghìn trang tư liệu, thì nay, họ đã thu thập và bảo quản gần một triệu hiện vật, tài liệu cùng hàng trăm ngàn phút video, ghi âm gắn liền với cuộc đời của hơn 1.900 nhà khoa học.

Mỗi trang tài liệu đều được xử lý kỹ thuật và bọc giấy can để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi điều kiện độ ẩm, nấm mốc.

Bên trong phòng lưu trữ tư liệu tại Toà nhà Quyển sách mở. Tại đây, mỗi bộ hồ sơ đều được đánh số, lưu trữ cẩn thận, khoa học…

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Tập đoàn Med Group, chia sẻ, để có được mỗi kho dữ liệu, hiện vật của một nhà khoa học, các chuyên gia và cán bộ Trung tâm sẽ bắt đầu bằng việc nghiên cứu kĩ lưỡng tiểu sử và cuộc đời của các nhà khoa học. Sau đó, họ sẽ nghiên cứu kĩ những di sản mà các nhà khoa học để lại. “Mỗi hiện vật, bút tích đều có câu chuyện của riêng nó”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ  nhất của thông tin, các chuyên gia cũng sẽ tiến hành rất nhiều buổi làm việc, lấy dữ liệu. Có những kho dữ liệu, các chuyên gia đã tiến hành hơn 90 cuộc gặp gỡ các nhân chứng, mỗi lần kéo dài nhiều giờ và đều được ghi âm, quay video. Sau khi thu thập, các biên bản làm việc với đầy đủ nội dung trao đổi sẽ được chuyển lại cho nhân chứng để xác nhận.

Nhiều hiện vật được lưu trữ tại đây phần lớn chưa từng được công bố, công chúng rất ít người biết tới.

Kho hiện vật khổng lồ tại Meddom Park. Chúng là một phần của lịch sử, khi đã giúp chủ nhân của mình hoàn thành những dự án khoa học quan trọng của đất nước.

Tại trung tâm, mỗi trang tư liệu đều được phân loại, xử lý kỹ thuật tỉ mỉ và lưu giữ cẩn thận trong khu vực có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp nhất, đảm bảo rằng những tư liệu quý đó có thể trường tồn mà không bị thời gian và các điều kiện ngoại cảnh tác động. Một phần kỷ vật và tài liệu theo chân các nhà khoa học được trưng bày tới công chúng, phần còn lại vẫn đang được xử lý hoặc đang được lưu trữ cẩn mật.

Bộ quân phục và hàm hiệu cấp  tướng CAND của GS.TSKH Nguyễn Đình Ngọc được bảo quản trong tủ kính khi trưng bày tại Meddom Park

Một phần tài liệu, hiện vật về GS.TSKH, Thiếu tướng tình báo CAND Nguyễn Đình Ngọc trong kho bảo quản

Đáng chú ý, bên trong Tòa nhà Quyển sách mở được bố trí riêng một khu vực rộng cả ngàn mét vuông có trưng bày 14 công trình của các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ban quản lý sẽ lần lượt trưng bày hiện vật, tài liệu… của tác giả được tặng giải thưởng cao quý này, theo mỗi chu kì 6 tháng. Đây là cơ hội để tìm hiểu sự sáng tạo và những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học Việt Nam, đồng thời có thể hiểu vì sao họ đã giành được những thành tựu to lớn như vậy.

Các bạn trẻ chăm chú lắng nghe tại khu vực trưng bày 14 công trình khoa học được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh bên trong Toà nhà Quyển sách.

Thông qua những câu chuyện và hiện vật đó, công chúng hiểu biết hơn về hoạt động nghiên cứu khoa học, về cách GS Đặng Văn Ngữ nghiên cứu điều chế penicillin ở rừng núi Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp và bất chấp nguy hiểm vào miền Nam điều trị sốt rét cho thương bệnh binh; những sáng tạo trong phương pháp cắt gan của GS Tôn Thất Tùng đã làm rạng danh nền y học Việt Nam; những phát minh mang tính lý thuyết trong lĩnh vực toán học, vật lý, cơ học của GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Đình Tứ và GS Nguyễn Văn Đạo…

Đặc biệt, trong các gian trưng bày và kho lưu trữ, còn có một số hiện vật của Nhà khoa học, nhà tình báo nổi tiếng của CAND Việt Nam – GS.TSKH Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc.

Theo Thiện Nhân

Báo điện tử Công an Nhân dân