Đặc sản bánh Uôi của người Mường

Đặc sản bánh Uôi của người Mường

Trong kho tàng văn hóa ẩm thực của người Mường có rất nhiều loại bánh, mỗi loại đều có những cách chế biến và được sử dụng trong những sự kiện khác nhau. Trong số đó, bánh Uôi là một trong những loại bánh độc đáo và được biết đến nhiều nhất.

Bánh Uôi (tiếng Mường: Peẻng Uôi) hay còn được biết đến với nhiều tên gọi khác: Bánh Ít uôi, bánh tình yêu, bánh vợ chồng… là một loại bánh độc đáo không thể thiếu trong các ngày lễ, Tết của người Mường ở Hòa Bình.

Bánh Uôi không biết có từ bao giờ, nhưng theo các già làng loại bánh này đã có từ xa xưa, được truyền lại cho con cháu qua nhiều thế hệ, từ đó trở thành một niềm tự hào trong văn hóa ẩm thực của người Mường.

 

Bánh Uôi không thể thiếu trong ngày Tết của người Mường

Nguyên liệu chính tạo nên bánh Uôi là bột gạo nếp nương, người Mường thường lựa chọn loại gạo nếp nương còn thơm mùi lúa mới, gạo được vo sạch và ngâm trong nước trong khoảng hai giờ để làm mềm, sau đó được xay thành bột. Nhân bánh là phần độc đáo tạo nên điểm nhấn trong hương vị của bánh Uôi, có 2 loại nhân bánh: nhân ngọt và nhân mặn, được lựa chọn tùy theo khẩu vị hoặc các nghi lễ, thủ tục yêu cầu. Nhân ngọt thường được làm từ hạt đậu nho nhe (một loại đậu gần giống đậu xanh, hạt thuôn dài thường sinh trưởng ở vùng núi) hoặc đậu xanh, nhưng theo người dân làm nhân bánh từ hạt nho nhe sẽ mang lại hương vị ngon nhất cho bánh Uôi. Một số nơi còn dùng đường mật mía thay cho nhân đậu. Còn loại nhân mặn được chế biến đơn giản hơn, chỉ cần tẩm ướp thịt lợn với hạt tiêu và các gia vị cho đậm đà.

Loại lá dùng để gói bánh là lá chuối rừng, lá bương hoặc lá dong, phổ biến nhất vẫn là lá chuối. Trước khi gói, lá được rửa sạch sẽ rồi đem đi phơi nắng hoặc hơ lửa cho dai hơn, hạn chế bị rách.

Quá trình gói bánh cũng không quá khó chỉ cần một chút tỉ mỉ và khéo tay. Bột gạo nếp được hòa vào nước sao cho không quá khô, cũng không quá nhão sau đó chia ra làm từng phần nhỏ. Nhân bánh sẽ được cho vào giữa và vo lại theo elip thuôn dài mà không để hở nhân và đảm bảo độ dày của lớp bột phủ ngoài vừa phải, đều xung quanh nhân. Khi gói bánh, hai phần bánh được đặt vào hai bên đối xứng của lá gói, sau đó cuộn chặt tay lại đến khi bánh được bọc kín. Bước tiếp theo, vặn xoắn phần giữa theo hướng ngược nhau rồi chập hai đầu bánh làm một và buộc chặt lại bằng lạt. Khi hoàn thiện bánh sẽ có hình dáng rất thú vị, với hai nửa giống hệt nhau, nhiều người nhìn thấy bánh giống hình hai người đang tựa vào nhau, chính vì vậy loại bánh này còn được gọi là bánh tình nhân.

 

Bánh Uôi khi mới gói xong

Bánh được đồ (đồ là hình thức hấp cách thủy bằng loại chõ riêng của người Mường) trong chõ bằng gỗ, đến khi lá bánh chuyển màu sậm, tỏa mùi thơm là bánh đã chín, thông thường quá trình đồ sẽ kéo dài khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.

Khi thưởng thức phải mở lạt buộc sau đó tách 2 đầu lá bánh ra, do bánh khá dính nên phải nhẹ nhàng, bóc từng phần nhỏ theo từng thớ lá để bánh không bị dính vào lá. Được chế biến từ những nguyên liệu gần gũi với cuộc sống thường nhật, nên bánh Uôi khá dễ làm và không kén người ăn. Mỗi loại sẽ mang lại một hương vị riêng, bánh nhân ngọt sẽ mang tới vị ngọt thanh, bùi bùi của hạt nho nhe. Bánh nhân mặn là vị đậm đà, mang một chút cay nồng của hạt tiêu và vị ngậy của thịt lợn. Tùy theo khẩu vị của từng gia đình mà trong mâm cỗ người Mường sẽ lựa chọn loại nhân phù hợp để làm bánh Uôi.

 

Phụ nữ Mường chuẩn bị bánh Uôi cho ngày Tết

Đối với người Mường ở Hòa Bình nhìn thấy bánh Uôi là như nhìn thấy Tết, vì đây là loại bánh không thể thiếu trong mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu năm mới. Hiện nay, phong tục làm bánh Uôi ngày Tết vẫn được duy trì, thể hiện một nét đẹp văn hóa và sự độc đáo về ẩm thực của đồng bào Mường. Nếu du khách có dịp ghé qua vùng đất Hòa Bình đừng quên tìm và thưởng thức món bánh đặc biệt này.

Tìm hiểu thêm:

  • Cá ốt đồ món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực Hòa Bình
  • Nhà hàng cánh Bướm – không gian ẩm thực tổ chức sự kiện độc đáo

Minh Đức

30/07/2023